Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai Đề án 06;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 22-26/5/2023.
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường quản lý hiệu quả, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo… để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thiết thực, đúng đối tượng nhằm giải quyết khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là về đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng, góp phần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lao động giá rẻ và vốn có chi phí thấp, góp phần giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa phát triển theo chiều rộng, vừa phát triển theo chiều sâu.
Tiếp tục rà soát các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn…; đồng thời tăng cường giám sát kiểm tra, không để xảy ra trục lợi chính sách, vi phạm quy định pháp luật.
Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp (hoàn thành trước ngày 28 tháng 5 năm 2023); thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, miễn giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và tiếp tục đề xuất các chính sách nếu thấy còn dư địa.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, rà soát, kiểm tra, cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết làm tăng chi phí, gây phiền hà, ách tắc, tiêu cực cho người dân, doanh nghiệp và tích cực triển khai ứng dụng chuyển đổi số; kiểm tra, xem xét, xử lý những cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, không dám thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc thẩm quyền và giải quyết các dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả, đúng quy định.
Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
Trước tình trạng nắng nóng gay gắt đang diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, nguy cơ cháy rừng rất cao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 441/CĐ-TTg ngày 22/5/2023 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về phòng cháy, chữa cháy rừng, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Kiểm tra, rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư; xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đảm bảo đầy đủ, sát thực tiễn, đủ khả năng ứng phó với tình huống cháy rừng xảy ra; chủ động bố trí kinh phí dự phòng của địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tổ chức trực ban, phân công lực lượng ứng trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô và các ngày nắng nóng; bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy rừng cao;...
Nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 24/5/2023 về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới.
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành rà soát các vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư để tổng hợp, kịp thời hướng dẫn xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định giải quyết vướng mắc. Cắt giảm triệt để thủ tục hành chính rườm rà, gây khó khăn cho nhà đầu tư và người dân.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung các Điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư nhằm phù hợp tiêu chuẩn mới, bảo đảm thẩm quyền quản lý của Nhà nước và chính sách công; hạn chế khả năng việc nhà đầu tư lạm dụng, lợi dụng cơ chế giải quyết tranh chấp Nhà nước - nhà đầu tư.
Rà soát, đồng bộ các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh để tránh hiện tượng chồng chéo, gây khó khăn cho hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư....
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, sửa đổi quy trình, thủ tục nội bộ liên quan đến thẩm định, chấp thuận chủ trương đầu tư, bảo đảm phù hợp với quy định pháp luật về đầu tư và pháp luật liên quan nhưng không gây phiền hà, tăng chi phí của nhà đầu tư.
Chỉ đạo cơ quan đăng ký đầu tư tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các dự án có vốn ĐTNN trên địa bàn, từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, theo thẩm quyền phải xử lý ngay, cũng như đề xuất sửa đổi luật pháp, chính sách để tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, tiệm cận tiêu chuẩn quốc tế....
Thủ tướng chỉ thị đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 25/5/2023 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh cơ bản hoàn thành trong năm 2023 theo đúng kế hoạch và tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Đối với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt, khẩn trương tổ chức công bố, công khai quy hoạch theo quy định, trừ những nội dung liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; xây dựng, trình ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch theo quy định; rà soát, chỉnh lý hồ sơ, đảm bảo thống nhất với quyết định được phê duyệt để cập nhật vào Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.
Đối với các quy hoạch đã thẩm định xong đề nghị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định; đối với các quy hoạch đã trình thẩm định khẩn trương tổ chức thẩm định theo quy định.
Đối với các quy hoạch đang xây dựng hoặc đang lấy ý kiến khẩn trương tập trung bố trí mọi nguồn lực để sớm hoàn thiện hồ sơ trình thẩm định theo quy định.
Tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai Đề án 06
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành văn bản số 452/TTg-KSTT ngày 23/5/2023 về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổ Công tác triển khai Đề án 06 rà soát, đánh giá, kiểm tra tình hình triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu tại Đề án 06 và Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo đánh giá toàn bộ các dịch vụ công trực tuyến đã được cung cấp trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan mình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, để từ đó lựa chọn những dịch vụ công thiết thực, tần suất sử dụng cao gắn liền nhu cầu hàng ngày của người dân, doanh nghiệp, có đầy đủ các điều kiện để cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tiến tới cung cấp các ứng dụng (apps) thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp tương tác trực tuyến hiệu quả với chính quyền. Thời gian hoàn thành trong tháng 9 năm 2023.
Các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chuyển đổi quy trình, thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử; chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, xây dựng các biểu mẫu điện tử, phần mềm chuyên dụng, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có. Thời gian hoàn thành trong tháng 9 năm 2023;...
Điều kiện đưa đường cao tốc vào khai thác sử dụng
Nghị định số 25/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định về công trình đường cao tốc đưa vào khai thác sử dụng; tạm dừng khai thác đường cao tốc
Theo đó, đường cao tốc được đưa vào khai thác sử dụng khi đáp ứng các quy định sau:
- Đã được nghiệm thu hoàn thành xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
- Phương án tổ chức giao thông đã được duyệt;
- Có quy trình vận hành khai thác đối với các hạng mục, thiết bị quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này.
Kết thúc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 9 tỉnh, thành phố
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 85/NQ-CP ngày 25/5/2023 kết thúc việc thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã, thành phố của 09 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Gia Lai theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2021 của Chính phủ về việc thí điểm thực hiện thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại huyện, quận, thị xã, thành phố của 09 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 (Chiến lược).
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược nhằm phát triển đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu gạo với quy mô, cơ cấu thị trường, cơ cấu sản phẩm xuất khẩu hợp lý, ổn định, bền vững và hiệu quả; củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm và phát triển các thị trường xuất khẩu mới, tiềm năng, các thị trường FTA; gia tăng thị phần gạo Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt thị trường các nước phát triển.
Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Cụ thể, phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất gồm: Phế liệu sắt, thép, gang; phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic); phế liệu giấy; phế liệu thủy tinh; phế liệu kim loại màu.
Danh mục phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 14/2023/QĐ-TTg ban hành Danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng có hiệu suất thấp phải loại bỏ và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.
Các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quản lý của mình, chủ trì thực hiện việc loại bỏ các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng và các tổ máy phát điện hiệu suất thấp không được xây dựng mới.
Mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ sàng lọc khuyết tật
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 569/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chung của Chương trình nhằm bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định 535/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 (Đề án).
Mục tiêu của Đề án là nâng cao hiểu biết và kỹ năng ứng phó sự cố, thiên tai (ƯPSCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) cho cộng đồng; tăng cường tính chuyên nghiệp cho lực lượng chuyên trách và tính chủ động cho lực lượng tại chỗ; từng bước nâng cao hiệu quả ƯPSCTT và TKCN, giảm thiểu tổn thất về người và vật chất, góp phần ổn định kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh. Đến năm 2030 hoàn thành 40% nội dung Đề án; đến năm 2045 hoàn thành Đề án.